Phân tích hơi thở có thể giúp giảm tối đa việc kê những toa thuốc kháng sinh không cần thiết

Việc lạm dụng thuốc kháng sinh khiến cho vi khuẩn có hại có cơ hội phát triển thành những chủng kháng thuốc có khả năng đe dọa đến việc chăm sóc sức khỏe. Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học tại Trung Quốc đã triển khai một nghiên cứu thí điểm nhằm kiểm tra các chỉ dấu sinh học (biomarkers) qua hơi thở của bệnh nhân. (Biomarker là những phân tử biểu hiện một dữ kiện sinh học. Biomarker có thể đơn thuần là hóa chất, như glucose là dấu ấn của bệnh tiểu đường, hoặc phân tử protein như các kháng thể (antibody) là dấu ấn của bệnh nhiễm trùng, và gene hay ADN marker là dấu ấn cho các bệnh liên quan đến di truyền). Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là phát triển một kỹ thuật kiểm tra hiệu quả (nhanh, kết quả chính xác, ít đau đớn và ít tốn kém) để có thể giúp các bác sĩ đưa ra quyết định kê thuốc kháng sinh chỉ khi thật cần thiết. Các kết quả nghiên cứu đầu tiên này đã được đăng trên Tạp chí Breath Research.

 

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Chiết Giang đã sử dụng các phương pháp phân tích benchtop như là một bước đệm hướng tới phát triển các công cụ chẩn đoán trong tương lai. Họ tập trung vào nghiên cứu ban đầu trên các bệnh nhân bị viêm phổi phải sử dụng máy thở điều trị ở các phòng chăm sóc đặc biệt. Điều vô cùng quan trọng là cần phân biệt được nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng với việc nhiễm khuẩn thông thường để tránh kê thuốc kháng sinh không cần thiết.

Để khẳng định các bệnh nhân có nhiễm khuẩn đường hô hấp hay không, hiện nay các bác sĩ phải lấy một số mẫu khác nhau (máu và đờm), thậm chí cả chụp X-quang lồng ngực trong trường hợp viêm phổi”. Bà Kejing Ying, điều phối viên nghiên cứu, Đại học Y Chiết Giang (Trung Quốc), cho biết.

Bằng việc phân tích các mẫu của 60 người tình nguyện tham gia nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện thấy mối liên quan hữu ích tiềm năng giữa sự hiện diện của vi khuẩn Acinetobacter baumannii được dẫn xuất từ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) trong hơi thở với các bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi do vi khuẩn.

Thách thức mà chúng tôi phải đối mặt đó là nhiều VOCs không phải là tác nhân gây bệnh duy nhất”. Bà Ying, hiện đang tham gia nghiên cứu cùng các cộng sự tại Khoa Kỹ thuật Y sinh thuộc Đại học Chiết Giang, nhấn mạnh.

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu hy vọng rằng nghiên cứu của họ sẽ dẫn đến một xét nghiệm không xâm lấn được phê duyệt để có thể cung cấp các cảnh báo sớm về nhiễm khuẩn ở đường hô hấp dưới.

 

P.T.T (NASATI)