Cách làm tạp chí trong nước ‘ hạn chế công bố quốc tế’

Cách thức và quy trình làm việc ở các tạp chí lâu nay của Việt Nam là một trong những nguyên nhân hạn chế việc xuất hiện các nghiên cứu trong nước trên các tạp chí học thuật quốc tế.

Các thảo luận trước nêu các vấn đề lớn như môi trường làm việc chưa phù hợp, kinh phí cho nghiên cứu hạn hẹp và ít khả năng tiếp cận các nghiên cứu ngoài nước, khiến các nhà nghiên cứu trong nước có ít bài đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Tuy thế, theo anh Hoàng Văn Chung, nghiên cứu sinh ngành Nhân học, Trường Đại học La Trobe, Melbourne, Australia, một nguyên nhân đáng chú ý nữa hạn chế việc xuất hiện của các nhà nghiên cứu trong nước trên các tạp chí khoa học thế giới là do cách thức và quy trình làm việc tại các tạp chí phổ biến lâu nay trong nước.

Những thông tin dưới đây dựa vào kinh nghiệm của anh từng làm việc cho một tạp chí khoa học trong nước nhiều năm và bản thân vừa có bài đăng tạp chí khoa học quốc tế…

Đối với tạp chí học thuật quốc tế, việc gửi đăng một công trình khoa học có quy trình thường thấy như sau: Trước tiên tác giả tìm hiểu kỹ thứ hạng và uy tín học thuật của tạp chí, văn phong và các yêu cầu cụ thể về trích dẫn hay số lượng chữ. Sau khi công trình gửi tới thông qua hệ thống website của tạp chí, ban biên tập sẽ đọc duyệt nhanh để trả lời là công trình được đăng tải hay không. Một công trình gây sự chú ý phải là các ý tưởng hay phát hiện mới kèm theo nền tảng lý thuyết vững chắc.

Nếu có khả năng đăng tải, công trình sẽ được gửi tới ít nhất là 3 peer reviewers (là những người đọc phản biện vốn có kiến thức vừa sâu vừa rộng, gần với chủ đề của công trình). Nếu 2 trong 3 người phản biện đồng ý bài đăng, ban biên tập sẽ liên hệ với tác giả đề nghị chỉnh sửa, bổ sung hay làm rõ những điều người đọc phản biện chuyên sâu trong báo cáo gửi ban biên tập. Nếu tác giả đồng ý phần lớn các đề nghị đó, bài viết sẽ được đọc và biên tập bởi biên tập viên của tạp chí rất kỹ lưỡng. Phản hồi của biên tập viên cũng sẽ được gửi cho tác giả. Trong trường hợp tác giả chỉnh sửa quá nhiều sau lần góp ý đầu tiên, ban biên tập sẽ gửi đi phản biện thêm một vòng nữa.

Cho tới nay, mô hình phổ biến nhất là các tạp chí sử dụng người đọc phản biện là các tình nguyện viên, tức là không trả một đồng lương nào cho họ. Do đó, thời gian 6 tháng hoặc 1 năm, tạp chí mới nhận phản hồi từ họ. Điều này khiến một công trình khoa học từ lúc gửi tạp chí đến lúc đăng mất khoảng 2 hoặc 3 năm là chuyện không hề hiếm, bài vừa gửi mà đăng ngay là chuyện khó.

Trong quá trình bài báo chỉnh sửa theo ý của ban biên tập và các người đọc phản biện, tác giả phải làm việc rất nhiều. Việc giao tiếp giữa tác giả và ban biên tập cũng diễn ra khá thường xuyên. Bản thân tác giả sẽ được lợi vì công trình nhận được góp ý và giám sát bởi nhiều bộ não khác nhau và từ các góc độ chuyên môn khác nhau. Từ góc độ này, tác giả là người cần tạp chí hơn là tạp chí cần tác giả. Khi tạp chí đăng bài không hề có nhuận bút cho tác giả. Uy tín của tạp chí học thuật thường dựa vào thứ hạng nó có được và việc đo thứ hạng đó dựa nhiều vào tần suất các công trình đăng tải được trích dẫn trên phạm vi quốc tế.

Tôi cho rằng cơ chế và quy trình làm việc khác nhau cũng hạn chế việc các tác giả công trình khoa học trong nước có bài đăng trên các tạp chí học thuật quốc tế. Để tạo điều kiện cho tác giả trong nước góp thêm nhiều tiếng nói ở môi trường học thuật quốc tế, theo tôi cần nhanh chóng thay đổi thói quen và cách thức làm việc lâu nay của các tạp chí khoa học trong nước, cũng như nỗ lực áp dụng các tiêu chuẩn làm tạp chí học thuật phổ biến ở mức độ quốc tế. Nguyên tắc làm khoa học ở đâu cũng thế, chỉ khi nào đứng cùng một nền tảng kiến thức và ngôn ngữ, cùng một cách thức làm việc, thì mới có thể cùng tham gia vào thảo luận.