Người đầu tiên mang thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam

Bà là người đầu tiên mang kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm từ Thái Lan về Việt Nam, tập trung xây dựng được khoa chuyên sâu sơ sinh, siêu âm đầu dò âm đạo, ngân hàng tinh trùng… Giờ khi đã về hưu, bà vẫn chưa cho phép mình ngơi nghỉ.

 

“Bà tiên” của 3.000 đứa trẻ thụ tinh nhân tạo

 

Trong quãng thời gian làm tại Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã kịp làm 2 việc nâng bước tiến của nền y học nước nhà sang một trang sử mới.

 

Năm 1996, bà cử đội ngũ cán bộ y tế trẻ đi nước ngoài học và ngày 19/8/1997, Giáo sư Đỗ Nguyên Phương, lúc đó là Bộ Trưởng Bộ Y tế, đã ký quyết định cho phép Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TPHCM là nơi thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm đầu tiên của cả nước.

 

Cha đẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vừa được trao giải Nobel Y học 2010.

Cha đẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vừa được trao giải Nobel Y học 2010.

 

Bác sĩ Phượng nhớ lại những khó khăn trong buổi đầu xây dựng nền móng cho kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại bệnh viện: “Ban đầu, nhiều người có ý kiến rằng nên chọn những bác sĩ hoạt động lâu năm trong ngành để gửi ra nước ngoài học cách thụ tinh ống nghiệm. Tuy nhiên, bằng mọi giá tôi đã thuyết phục để đội ngũ này phải là các bác sĩ trẻ. Thụ tinh ống nghiệm là một kỹ thuật vô cùng khó. Trứng của người chỉ nhỏ bằng 1/3 sợi tóc, mọi thao tác đều nhìn qua kính hiển vi nên đòi hỏi bác sĩ cần có đôi mắt tinh tường và đôi tay chắc chắn, chỉ cần run tay là trứng sẽ bị bể, coi như mọi thứ thất bại hết”.

 

Trải qua biết bao khó khăn, năm 1998, ba đứa trẻ đầu tiên đã ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm trước sự vỡ òa vui sướng của nhiều người. 13 năm trôi qua, Bệnh viện Từ Dũ cho ra đời 3.000 đứa trẻ. Cho đến nay, thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam có tỷ lệ thành công lên đến hơn 40% (trong khi đó ở Pháp chỉ từ 15% đến 17%).

 

Lớp học cô đỡ thôn bản

 

Bằng trái tim của một thầy thuốc chuyên khoa sản hết lòng với nghề và sự đồng cảm của một người mẹ, người vợ nên bác sĩ Phượng thấu hiểu ngoài việc củng cố cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật cho bệnh viện thì còn phải tập trung vào mạng lưới y tế cơ sở. Nhiều vùng heo hút, xa xôi của tổ quốc, cánh tay của ngành y tế vẫn chưa vươn tới được.

 

Nơi đó, biết bao chị em không được chăm sóc sức khỏe sinh sản, tự sinh con rồi dùng dao, rựa, ống nứa cắt rốn dẫn đến tử vong do nhiễm trùng.

 

Bác sĩ Phượng (bìa phải) đi công tác tại vùng núi Hà Giang. (Ảnh do HOSREM cung cấp).

Bác sĩ Phượng (bìa phải) đi công tác tại vùng núi Hà Giang. (Ảnh do HOSREM cung cấp).

 

Ở vùng sâu, xa trên toàn quốc, tỷ lệ bà mẹ tử vong lúc sinh con cao hơn khu vực đồng bằng rất nhiều (411/100.000). Riêng ở Tây Nguyên, cứ 100.000 bà mẹ chuyển dạ lại có 175 người chết.

 

Thế là năm 1997, lớp học cô đỡ thôn bản đầu tiên đã ra đời và nhanh chóng được nhân rộng trên toàn quốc. Bác sĩ Phượng dùng mô hình này với chủ trương tranh thủ nguồn lực từ chính phụ nữ dân tộc để đỡ đẻ.

 

Đến nay, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ đã đào tạo được 718 học viên nhưng phải trải qua khá nhiều khó khăn do trình độ của cô đỡ quá thấp.

 

Bác sĩ Phượng vô cùng thương cảm: “Tội nghiệp khi mấy em ngô nghê, lần đầu tiên xuống TP học mà không biết… mặc đồ lót, cứ để… ra tự nhiên khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Tôi phải đưa đi mua đồ, hướng dẫn cho cách tự chăm sóc, vệ sinh bản thân. Mấy em tiếp thu nhanh lắm, chỉ cần tôi chỉ cho một lần là cứ mỗi tháng đến kỳ lĩnh tiền sinh hoạt phí lại tự ra siêu thị để mua đồ lót”.

 

Đưa tiếng nói của nạn nhân dioxin Việt ra thế giới

 

Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực sản – phụ khoa, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng chính là người đã đưa tiếng nói của nạn nhân chất độc độc da cam Việt Nam ra thế giới, đòi Mỹ phải bồi thường quyền sống, làm người cho họ.

 

Cơ duyên đưa cô sinh viên Trường Đại học Y khoa Sài Gòn Nguyễn Thị Ngọc Phượng đến với những nạn nhân dioxin bắt đầu từ những ca đỡ đẻ “ám ảnh” vào một ngày xa xôi của năm 1965.

 

“Khi đỡ đứa trẻ ra khỏi lòng mẹ, tôi bàng hoàng bởi đứa trẻ sơ sinh trên tay mình không có hộp sọ, chỉ có một gương mặt nhăn nhúm, đằng sau phẳng lì. Đau đớn hơn là lúc người mẹ nhìn thấy đứa con quái thai, bà mẹ khóc ngất đi, luôn miệng nói mình đã đẻ ra… con khỉ. Gia đình nhà chồng biết chuyện, bắt phải ly hôn nhưng vì thương vợ, ông chồng đã không làm thế. Sự u ám, bi thương bao trùm lên hạnh phúc của họ. Sau đó vài ngày, tôi lại gặp thêm nhiều trường hợp sinh con quái thai như thế”.

 

“Không chịu nổi trước cảnh bi thương đó, tôi lần mò tìm hiểu các tài liệu của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ xuất bản năm 1964”, BS Ngọc Phượng kể lại. 

 

Nghi ngờ các ca quái thai có liên quan đến hóa chất độc hại trong chiến tranh do Mỹ rải xuống, năm 1982, bác sĩ Phượng đã thực hiện một nghiên cứu trên 1000 hộ gia đình ở xã Thanh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Kết quả cho thấy, nhóm người sống tại vùng bị rải chất độc màu da cam sinh ra con dị tật cao gấp 3 – 4 lần. Năm 1983, báo cáo của bác sĩ Phượng về vấn đề này đã được đăng trên một tạp chí khoa học của Anh.

 

Năm 1987, bác sĩ Phượng qua Mỹ dự hội nghị quốc tế về Dioxin. Cũng trong lần này, bà đã may mắn gặp được hai nhà hóa học từng nghiên cứu sữa mẹ ở chiến khu tại Việt Nam và phát hiện có rất nhiều chất độc dioxin. Một sự thật kinh hoàng rằng trẻ em sơ sinh của ta đã bú từ bà mẹ nhiễm chất độc da cam hàm lượng dioxin cao gấp mấy ngàn lần mức độ cho phép.

 

Từ đó, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đảm nhiệm trọng trách là Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam của TPHCM và Việt Nam.

 

Trước nỗ lực của bà và Hội Nạn nhân chất độc da cam, năm 2008, Mỹ đã phải mở cuộc điều trần, mời các nhà khoa học Việt Nam qua. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ cho một nhà khoa học của ta vào Hạ viện để thương thảo về vấn đề này.

 

Cứ 6 tháng, ta lại có một cuộc họp với Mỹ để đưa ra kế hoạch tẩy sạch môi trường và hỗ trợ để nạn nhân nhiễm chất độc da cam có thể hòa nhập với xã hội. Mới đây nhất là cuộc họp diễn ra từ ngày 10 đến 15/4, nhằm thương lượng số tiền bồi thường tạm thời.

 

Về hưu từ năm 2005, đã lên chức bà ngoại nhưng thời gian biểu của bác sĩ Phượng luôn dày đặc. Khi được hỏi ở cái tuổi xế chiều bác sĩ còn những giấc mơ nào đang dang dở chưa làm được, bác sĩ Phượng cười xòa: “Chừng nào bệnh nhân còn cần đến tôi thì tôi chưa cho phép mình được nghỉ. Đôi khi cô cháu ngoại cưng cũng phụng phịu vì cứ tưởng bà về hưu sẽ ở nhà chơi cùng nhưng lại thấy bà chẳng có lúc nào thảnh thơi”.