Vấn đề bọ xít hút máu: Bộ Y tế ra thông báo chính thức

Trước những thông tin về việc phát hiện bọ xít hút máu tại Việt Nam thời gian gần đây, ngày 23/9, Bộ Y tế đã có thông báo chính thức về vấn đề này. Trong đó, Bộ Y tế khẳng định, loài bọ xít này đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu nhưng đến nay chưa phát hiện có sự lây truyền bệnh từ bọ xít sang người.

 

Bọ xít hút máu.

Thông tin về việc phát hiện loài bọ xít hút máu người tại Hà Nội và Đà Nẵng từ cuối tháng 6/2010 nhanh chóng lan ra khiến không ít người dân hoang mang. Tiếp theo đó, một loạt các địa phương khác cũng phát hiện có ổ bọ xít hút máu người như: Vĩnh Phúc, TP. HCM, Thừa Thiên – Huế lại càng dấy lên mối lo ngại của người dân.

Ngay tại Hà Nội, trong tháng 9, các cơ quan chức năng đã phát hiện 2 ổ bọ xít lớn tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm với số lượng lên đến hàng nghìn con và có khả năng đã phát tán ra khu vực xung quanh. Tại TP.HCM, một ổ bọ xít mới cũng đã được phát hiện tại một nhà dân ở phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú. Trạm y tế phường Sơn Kỳ đã tiến hành phun thuốc quanh khu vực phát hiện bọ xít đồng thời lấy một số mẫu bọ xít gửi tới Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Phú. Mới đây nhất, trên địa bàn thành phố Huế và hai huyện Phú Lộc, Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên – Huế, người dân đã phát hiện loài bọ xít hút máu này và báo với cơ quan chức năng. Ngay sau khi nhận được thông tin của người dân, Trung tâm Phòng chống sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã trực tiếp kiểm tra và xác định, có 5 người đã bị bọ xít đốt. Sau khi tư vấn cách sát trùng vết thương, dùng thuốc chống dị ứng, Trung tâm đã tiến hành xét nghiệm máu của người bị bọ xít đốt, tuy nhiên, không phát hiện ký sinh trùng. Cơ quan chức năng cũng đã khuyến cáo người dân phải thường xuyên dọn vệ sinh nhà cửa, các nơi mà bọ xít có thể trú ẩn như nhà bếp, khu vệ sinh, các khe tủ, khe cửa, chỗ có vết nứt. Khi phát hiện bọ xít thì tiêu diệt bằng biện pháp cơ học.

TS. Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trên thế giới có khoảng 3.000 loài bọ xít khác nhau, trong  đó có một số loài hút máu động vật, trong quá trình tồn tại và phát triển của loài này, người có thể là đối tượng ngẫu nhiên bị bọ xít đốt. Ở Việt Nam, bọ xít hút máu đã xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có thông tin, tài liệu và nghiên cứu nào thông báo có các loài bọ xít lây truyền bệnh ở Việt Nam.

Bọ xít

Theo báo cáo của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng TW, hiện thu thập được một số bọ xít ở các địa phương được các chuyên gia phân loại bọ xít của Viện Sinh thái-Tài nguyên sinh vật định loại là Triatoma rubrofassiata (khác với loài bọ xít Triatoma dimidiata phổ biến ở Trung Mỹ và loài Triatoma infestans phổ biến ở vùng Nam Mỹ có thể gây truyền bệnh Chagas – còn gọi là bệnh ngủ, bệnh lưu hành ở một số nước vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ).

Cho đến nay, chưa có tài liệu nào công bố có bệnh Chagas ở Việt Nam. Đồng thời, chưa có tài liệu nào công bố giống bọ xít Triatoma tại Việt Nam có khả năng truyền bệnh Chagas. Kết quả xét nghiệm 19 mẫu máu của 19 người ở 19 hộ gia đình bị bọ xít đốt cũng không phát hiện ký sinh trùng gây bệnh Chagas.

Cũng theo TS. Bình, loài bọ xít hút máu này khi đốt chỉ gây cảm giác khó chịu, đau rát và ngứa tại vết đốt, đặc biệt là đối với người có cơ địa dị ứng. Tuy vậy, Cục Y tế dự phòng cũng đưa ra khuyến cáo đối với người dân khi bị bọ xít đốt thì nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, tránh không gãi tại chỗ vết đốt, nếu vết đốt sưng nề cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng. Ở vùng đã phát hiện có bọ xít hút máu thì nên thường xuyên ngủ màn, giắt màn cẩn thẩn để bọ xít không thể chui vào màn đốt người. Khi phát hiện bọ xít nên tắt đèn và dùng đèn pin soi tìm và diệt bọ xít. Thường xuyên vệ sinh nơi ở, sinh hoạt, khi phát hiện bọ xít, côn trùng cần phun diệt bằng các sản phẩm hóa chất diệt côn trùng đã được Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng mọi người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bọ xít đốt như: thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, phòng ngủ, vệ sinh môi trường, thông thoáng ánh sáng nơi ở, nơi làm việc. Gia đình có thể dùng các bình xịt hóa chất diệt muỗi, gián để xịt và diệt bọ xít theo hướng dẫn của y tế địa phương.